Skip to main content

Hữu Liên – Điểm đến hấp dẫn và thân thiện.

 

Xã Hữu Liên nằm ở phía Bắc huyện Hữu Lũng. Từ km78 + 750 Quốc lộ 1A đi theo đường tỉnh 243 khoảng 25km, thời gian lái xe ô tô khoảng 30 phút là đến trung tâm xã Hữu Liên. Toàn xã có diện tích tự nhiên 6.642,89 héc ta; phía Bắc và Tây Bắc giáp xã Trấn Yên, Nhất Tiến huyện Bắc Sơn; phía Tây và Tây Nam giáp xã Yên Bình, Hòa Bình huyện Hữu Lũng; phía Nam và Đông Nam giáp xã Yên Thịnh, Yên Sơn huyện Hữu Lũng; phía Đông giáp xã Vạn Linh huyện Chi Lăng; phía Đông Bắc giáp xã Hữu Lễ huyện Văn Quan. Toàn xã Hữu Liên nằm trong một thung lũng bao quanh bởi các dãy núi đá vôi với phong cảnh hữu tình và tài nguyên đa dạng về sinh học của khu bảo tồn thiên nhiên (rừng đặc dụng Hữu Liên). Dân số toàn xã là 3.754 người, gồm 9 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, HMông, Cao Lan, Sán Dìu, Mường, Thái với phong tục tập quán và nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc cùng sinh sống trong 7 thôn: Lân Châu, Làng Que, Đoàn Kết, Làng Bên, Liên Hợp, Ba Lẹng, Tân Lai. Phần lớn bà con nhân dân chủ yếu vẫn canh tác nông nghiệp, chính vì vậy đã tạo điều kiện cho khách du lịch có không gian trải nghiệm, tham gia vào thực tiễn sản xuất làm ra sản phẩm nuôi sống con người như: trồng, chăm sóc và thu hoạch lúa, nấu các món ăn địa phương, làm các loại bánh truyền thống…Hoà cùng núi rừng, cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng cùng với bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo chính là những tài nguyên văn hóa - du lịch rất giá trị đã và đang được chính quyền và người dân nơi đây khơi dậy để phát triển du lịch bền vững.

Đến với Hữu Liên du khách vừa có thể kết hợp tìm hiểu bản sắc văn hóa, đời sống xã hội của người dân địa phương vừa có thể khám phá các thảm thực vật của khu rừng nguyên sinh đa dạng sinh học và thưởng ngoạn những phong cảnh hữu tình trong khu vực Đồng Lâm. Nằm ở phía Bắc cách trung tâm xã Hữu Liên 3km, có diện tích khoảng 100ha, vị trí cách biệt hẳn với khu dân cư, du khách đến tham quan Đồng Lâm vào mùa khô sẽ được tận hưởng cảnh đẹp ngoạn mục giữa điệp trùng núi non, trải ra ngút mắt là đồng cỏ tự nhiên mênh mông xanh mướt như một “sân golf” tuyệt mỹ; du khách có thể hạ trại để hòa mình vào thiên nhiên, ngả mình trên thảm cỏ mượt như nhung, hít thở không khí trong lành, nghe tiếng suối chảy róc rách, tổ chức các hoạt động dã ngoại, cắm trại, văn hóa thể thao, leo núi, khám phá hang động...; toàn cảnh bức tranh của Đồng Lâm được đóng khung bao quanh bởi núi non hùng vĩ làm cho Đồng Lâm cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Vào mùa nước, Đồng Lâm hóa thân thành một kỳ quan “Sơn thủy hữu tình”, thảo nguyên bát ngát của hôm qua, nay biến thành biển nước mênh mông xanh thẳm, du khách có thể thỏa thích trải nghiệm các trò chơi như: chèo mảng, bơi thuyền Kayak, câu cá thư giãn vừa tận hưởng không khí trong lành của lòng hồ sinh thái Đồng Lâm hay cập thuyền vào sườn núi trải nghiệm leo núi, tham quan khám phá các hang động…

 

Hình 1: Đồng Lâm mùa nước.

 

 

Hình 2: Đồng Lâm nhìn từ trên cao.

 

Hình 3: Toàn cảnh Đồng Lâm.

 

 

Hình 4: Chèo thuyền kayak trong Đồng Lâm.

 

 

 

Hình 5: Hồ Nong Dùng xã Hữu Liên.

 

Hình 6: Hoạt động trải nghiệm của du khách nước ngoài.

Hình 7: Hoạt động trải nghiệm của du khách tại Đồng Lâm.

Hang Soong Boong: thuộc địa phận thôn Đoàn Kết, hang nằm ở lưng chừng núi đá cao gần ao Rằng Cả rộng 115ha. Trước mặt đối diện cửa hang dưới chân có dòng suối nước chảy quanh năm, có thác nhỏ nên người ta tạo mọi điều kiện để đánh bắt cá bằng boong (một dụng cụ giống như đó, thời dưới xuôi). Bằng cách làm sóng để dụ cá lên, có boong to bằng cái nón. Khi cá bơi đến tập trung ở sóng chúng thi nhau nhảy sang chỗ cạn tụt xuống dốc đó, có câu thơ truyền miệng dân làng như sau:

“Ngang núi thì có hang to

Suối reo bởi thác có boong cho cá vờn”

 

Hình 8: Hang Soong Boong trong khu Đồng Lâm.

Lễ hội đình Gò Chùa (hay còn gọi là Lễ hội đình Cao Sơn): Hàng năm lễ hội được tổ chức vào ngày 13 tháng 3 âm lịch và cứ 3 năm lại tổ chức lễ hội to (còn gọi là hội Dài), việc chuẩn bị hội Dài long trọng hơn lễ hội hàng năm. Trước đó một ngày tức là 12/3 thầy chùa, hội chủ, cùng ông hóa bản tổ chức ăn chay niệm phật. Sáng 13/3 dân làng mang trống lên đền điếu phúng, đến 1 giờ chiều mọi người nộp cỗ và rượu lên đình. Mỗi chiếu cỗ đều phải có oản, xôi, bánh bồ đà được chế biến công phu và có kích thước quy định. Thời điểm nhộn nhịp nhất của lễ hội là đêm 13/3. Toàn dân và quan khách xa gần đều được dự tiệc, nghe hát Nhà tơ chúc tụng thánh quan có tác dụng khuyên răn giáo dục con người, hát ả đào với những lời hay ý đẹp. Từ 12 giờ đêm trở đi, trong khi dân làng tiếp tục xem hát chèo cổ, xem các tấn trò truyền thống như Lưu Bình - Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, tích Thôi Thao, Tống Trân - Cúc Hoa, tích Kiều, Triều Hậu Hán, Trò công tử, phụng Huê Đình, Nhị độ mai, Đại thánh ... thì một bộ phận tuần đinh vẫn không ngừng canh phòng trộm cắp, giữ yên xóm làng. Đến 14/3 là ngày giã hội. Trong đình tiếp tục hát nhà tơ và múa bông, đến khoảng 10 giờ trưa hội chính thức kết thúc, mọi người chia tay nhau và chia tay với quan khách xa gần.

 

 

Hình 9: Đình Gò Chùa Hữu Liên.

 

 

 

Hình 10: Lễ hội đình Gò Chùa Hữu Liên.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xã Hữu Liên phần đa có kiến trúc nhà sàn bằng gỗ 4 gian 2 trái lợp ngói âm dương truyền thống chiếm đến 85% trên tổng số 815 hộ dân, trong đó có trên 30 hộ gia đình có kiến trúc nhà sàn được xây dựng khang trang. Dạo quanh xã Hữu Liên, nổi bật giữa những thung lũng lúa nước bằng phẳng là những nếp nhà sàn rộng rãi, thoáng mát nằm lưng chừng mây núi của rừng già tựa như một bức họa thủy mặc làm say đắm lòng người. Kiến trúc nhà sàn ở đây cao rộng, thoáng đãng nằm rải rác theo từng cụm từ 5 - 7 hộ, lưng dựa vào thế núi, mặt hướng ra cánh đồng bằng phẳng. Nhà của người dân Hữu Liên vừa cao ráo sạch sẽ tránh được muỗi vắt, thú rừng, vừa rộng rãi thoáng mát lại vừa tao nhã mềm mại.

 

 

Hình 11: Làng du lịch sinh thái cộng đồng xã Hữu Liên.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

         Làng du lịch sinh thái cộng đồng thôn Làng Bên nằm cách trụ sở UBND xã 450m về phía Đông Nam và Làng du lịch sinh thái cộng đồng thôn Đoàn Kết nằm cách trụ sở UBND xã 1km về phía Bắc. Cả 2 Làng du lịch sinh thái cộng đồng Hữu Liên đi vào hoạt động từ năm 2018, hiện nay có 6/14 hộ gia đình có đầy đủ các điều kiện như: khu vực nghỉ ngơi, ăn uống, hệ thống công trình phụ trợ đảm bảo vệ sinh có thể tiếp đón và phục vụ khách du lịch khi có nhu cầu lưu trú

 

 

Hình 12: Cổng Làng du lịch cộng đồng thôn Làng Bên.

 

 

 

Hình 13: Homestay Yến Nhi thôn Làng Bên.

 

 

Hình 14: Homstay Rừng Xanh thôn Làng Bên.

 

 

 

Hình 15: Nội thất homestay Hữu Liên.

 

Hình 16: Nội thất homestay Hữu Liên.

Khách du lịch đến với Làng du lịch sinh thái cộng đồng Hữu Liên sẽ được thưởng thức các món ăn được chế biến từ các nguyên liệu do bà con nhân dân sản xuất ở địa phương như: gà nướng, cá nướng, nem nướng, lợn nướng, rau dớn, rau bồ khai, bánh ngô, bánh giò bầu, bánh chưng đen, xôi cẩm đủ màu nhuộm từ lá cây…. Đặc biệt du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn được chế biến từ các thực phẩm được đánh bắt, thu hái từ chính những con suối của Hữu Liên như: ốc suối, cá suối, rau rừng…; du khách sẽ được sẽ được tắm lá thuốc thảo dược, có tác dụng chữa bệnh, giúp nhanh phục hồi sức khỏe, các loại thảo dược được người dân thu hái từ tự nhiên của vùng núi Hữu Liên và được bào chế theo phương thức truyền thống hoặc thưởng thức rượu ngô men lá - là sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Dao xã Hữu Liên. Ngoài ra, khách du lịch sẽ được trải nghiệm kỹ thuật đan lát, làm chổi; thưởng thức các làn điệu dân ca truyền thống dân tộc như: hát Pá Xoan, hát Nhà Tơ, hát Then, hát chèo cổ…do các “nghệ nhân bản địa” biểu diễn.

 

 

Hình 17: Hộ homestay Hữu Liên chế biến thực phẩm phục vụ du khách.

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 18: Hữu Liên – Điểm đến hấp dẫn và thân thiện.

 

 

 

Sưu tầm và tổng hợp: Khổng Hồng Minh – Hoàng Thị Tuyết

Phòng VH&TT

About